Hạch bạch huyết và ung thư

Ngày 22/02/2024

Hệ bạch huyết là gì?

Hệ bạch huyết là một phần trong hệ thống miễn dịch của cơ thể. Hệ bạch huyết bao gồm mạng lưới các mạch bạch huyết và hạch bạch huyết (hạch lympho). Mạch bạch huyết khá giống tĩnh mạch,  tuy nhiên, tĩnh mạch  thu thập và vận chuyển máu trong cơ thểcòn mạch bạch huyết vận chuyển một loại dịch trong suốt được gọi là bạch huyết. Bạch huyết cũng chứa các tế bào bạch cầu, giúp chống lại các tác nhân nhiễm trùng.

hạch bạch huyết

Nếu bạch huyết không được lưu thông, nó có thể tích tụ và gây ra tình trạng sưng tấy. Mạch bạch huyết thu hồi bạch huyết từ xung quanh các tế bào để vận chuyển về ống ngực rồi đổ vào tĩnh mạch cảnh trong trái và tĩnh mạch dưới đòn trái ở gần tim.

Chức năng của hạch bạch huyết

Mạch bạch huyết dẫn bạch huyết qua các hạch ở khắp cơ thể. Hạch bạch huyết là những cấu trúc nhỏ có vai trò lọc các chất lạ, ví dụ như tế bào ung thư và các tác nhân nhiễm trùng. Hạch bạch huyết có các tế bào miễn dịch giúp chống lại nhiễm trùng bằng cách tấn công và tiêu diệt mầm bệnh di chuyển trong bạch huyết. Các hạch bạch huyết có ở nhiều vị trí trên cơ thể, bao gồm cổ, nách, ngực, bụng và bẹn.

Có hàng trăm hạch bạch huyết trên khắp cơ thể. Mỗi hạch bạch huyết lọc dịch và các chất do mạch bạch huyết dẫn tới. Ví dụ, bạch huyết ở ngón tay và cánh tay được dẫn về ngực. Dòng bạch huyết này có thể được lọc tại các hạch bạch huyết ở khuỷu tay hoặc ở nách. Bạch huyết từ đầu, da đầu và mặt được dẫn xuống các hạch bạch huyết ở cổ. Một số hạch bạch huyết có thể nằm sâu trong cơ thể như hạch trung thất, hạch mạc treo ruột để lọc bạch huyết tại những vùng này.

Ung thư tại hạch bạch huyết

Ung thư có thể xuất hiện ở hạch bạch huyết bằng 2 con đường: nguyên phát (ung thư khởi phát từ hạch bạch huyết) và thứ phát (ung thư khởi phát từ nơi khác di căn tới hạch bạch huyết).

Ung thư nguyên phát tại hạch bạch huyết được gọi là U lympho. Có nhiều loại U lympho khác nhau nhưng được phân thành 2 nhóm lớn là U lympho Hodgkin và U lympho không Hodgkin.

Bình thường, hạch bạch huyết rất nhỏ và khó sờ thấy. Khi bị nhiễm trùng, viêm hoặc ung thư, hạch sẽ tăng kích thước. Những hạch nằm nông ở dưới da có thể sờ thấy, thậm chí một số hạch có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, nếu mới chỉ có vài tế bào ung thư di căn tới thì hạch bạch huyết có thể trông rất bình thường. Các hạch bạch huyết nằm sâu trong cơ thể không sờ thấy hoặc nhìn thấy. Vì vậy, bác sĩ sẽ sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để phát hiện các hạch to nằm sâu trong cơ thể. Thông thường, các hạch tăng kích thước nằm ở gần tổ chức ung thư sẽ có tế bào ung thư.

Biện pháp duy nhất để phát hiện ung thư ở hạch bạch huyết là sinh thiết hạch. Bác sĩ có thể bóc tách toàn bộ hạch hoặc bấm một vài mảnh mô của hạch bằng kim nhỏ để làm xét nghiệm mô bệnh học. Các mảnh sinh thiết sẽ được bác sĩ giải phẫu bệnh quan sát dưới kính hiển vi để phát hiện tế bào ung thư. Nếu hạch có tế bào ung thư, kết quả mô bệnh học sẽ mô tả chi tiết về tình trạng và mức độ di căn hạch.

Trường hợp ung thư di căn đến hạch: Nguyên nhân do các tế bào ung thư ở cơ quan nguyên phát di căn đến. Lúc này tế bào ung thư tách khỏi khu vực khối u ban đầu, lan đến khu vực khác thông qua đường máu hoặc hệ thống bạch huyết. Khi tế bào ung thư đi qua các “chốt chặn” hạch bạch huyết, các hạch kích hoạt tăng sản sinh miễn dịch nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, các tế bào ung thư có khả năng “trốn thoát” khỏi hệ thống hạch bạch huyết của cơ thể. Chúng có thể phát triển ở các cơ quan khác nhau hình thành nên các khối u thứ phát.

Các hạch lympho bình thường có kích thước rất nhỏ và thường không phát hiện được trên lâm sàng. Tuy nhiên nếu bị nhiễm trùng hoặc ung thư, các hạch tăng nhanh kích thước. Những hạch gần bề mặt cơ thể nhìn thấy, sờ nắn được. Đối với các hạch bạch huyết nằm sâu trong cơ thể, các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)… có thể phát hiện được hạch. 

Hình 2. Hình ảnh hạch bạch huyết có ung thư di căn làm mất cấu trúc xoang

Khi phẫu thuật cắt khối ung thư nguyên phát, bác sĩ phẫu thuật có thể tiến hành lấy bỏ một hoặc nhiều  hạch lân cận. Thủ thuật lấy một hạch bạch huyết được gọi là sinh thiết hạch, còn thủ thuật cắt bỏ nhiều hạch bạch huyết được gọi là phẫu thuật nạo vét hạch. Khi ung thư di căn tới hạch bạch huyết, nguy cơ ung thư tái phát sau phẫu thuật sẽ cao hơn. Thông tin này sẽ giúp bác sĩ quyết định liệu có cần điều trị thêm hóa trị, liệu pháp miễn dịch, điều trị đích hoặc xạ trị sau khi phẫu thuật hay không.

Figure 4 from Sentinel Node Navigation Surgery in Patients with Early  Gastric Cancer | Semantic Scholar

Hình ảnh phẫu thuật được hỗ trợ bởi máy đo Gamma Probe

Nếu phát hiện ung thư ở một hoặc nhiều hạch bạch huyết, điều này đồng nghĩa với việc cần thực hiện nhiều xét nghiệm khác để đánh giá tình trạng di căn của ung thư. Thông tin này được sử dụng để xác định giai đoạn ung thư và các phương án điều trị phù hợp nhất. Trong trường hợp thực hiện phẫu thuật nạo vét hạch bạch huyết, thiết bị Máy đo gamma probe sẽ được sử dụng để xác định đúng vị trí hạch chứa phóng xạ đánh dấu nhằm tránh việc cắt bỏ sai vị trí.

Tài liệu tham khảo:

https://benhvienungbuouhanoi.vn/kien-thuc-ung-thu-1/hach-bach-huyet-va-ung-thu.html

https://tamanhhospital.vn/co-the-nguoi/hach-bach-huyet/

https://www.cancer.org/treatment/understanding-your-diagnosis/lymph-nodes-and-cancer.html