Y học hạt nhân nối dài mạch sống
Trước đây, khi ai đó bị phát hiện mắc ung thư, nếu có điều kiện, người ta sẽ chọn đi chữa bệnh ở nước ngoài. Những người còn lại thường điều trị tại Bệnh viện K trung ương hoặc Khoa Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai…
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Kim Lưu (giữa) trò chuyện với bệnh nhân đang điều trị tại K71
Nhưng trong những năm gần đây, nhiều người mắc ung thư đã chọn nơi chữa bệnh cho mình là K71 – Bệnh viện 103. Còn gặp ở K71 cả những người đã từng chữa trị ở Singapore, Châu Âu hay qua các bệnh viện hàng đầu trong nước. Đơn giản bởi tiếng lành lan xa, người trước mách người sau, sự “mát tay” của các thầy thuốc mặc áo lính K71 đã từng ngày xây chắc niềm tin từ những người đang mang bệnh nan y khắp mọi miền.
Sự mách bảo từ tiếng lành…
Những người đến để bộ đội K71 điều trị mắc nhiều bệnh ung thư khác nhau: Ung thư vú, lưỡi – sàn miệng, hạ họng – thanh quản, phổi – phế quản, tuyến giáp, dạ dày, đại trực tràng, thực quản, cổ tử cung – tử cung, tụy, gan, tuyến tiền liệt… Nhưng hầu hết họ giống nhau ở điểm là, chọn K71 trị bệnh cho mình qua sự mách bảo của người đã từng điều trị ở đây.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn T. 62 tuổi, là giảng viên cao cấp của một trường đại học. Nhà ông ở khu phố trung tâm, hằng ngày ông vẫn đi tập thể thao qua cửa Bệnh viện K. Một buổi cao hứng, ông nhờ “chiến hữu” là kỹ thuật viên của viện làm giúp vài xét nghiệm, vì thấy mình nhanh mệt hơn khi chơi thể thao. Nào ngờ siêu âm cho thấy, ông có khối u trong gan.
Kết quả sinh thiết chỉ rõ hơn rằng ông mắc ung thư gan giai đoạn muộn, không thể phẫu thuật. Sốc, suy sụp là tình cảnh của ông khi đón nhận tin dữ. Được tư vấn của ông bà thông gia đang công tác tại Bệnh viện 103 và “tiếng lành” từ một số người bà con, ông quyết định không ra nước ngoài mà vào K71. Chỉ qua 3 đợt điều trị bằng xạ trị 3D và hóa trị, khối u trong gan của ông đã được kiểm soát. Ông tâm sự: “Cuộc chiến với căn bệnh hiểm nghèo của tôi còn dài. Nhưng được bộ đội K71 chọn trúng phác đồ và điều trị hiệu quả, tôi đã lấy lại được khát khao sống và yên tâm chữa bệnh”.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục – tác giả của hàng chục tiểu thuyết, kịch bản phim truyện nổi tiếng, được coi là “vua” kịch bản, trong đó có 2 kịch bản của Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Năm 2015, ở tuổi 68 ông bị phát hiện có khối u tại đỉnh phổi phải. Kết quả các xét nghiệm sau đó cho thấy nhà văn đã mắc ung thư phổi tế bào nhỏ, thể lan tràn, không thể phẫu thuật. Tín nhiệm sự “mát tay” của các quân y sĩ qua lời chỉ dẫn của bạn bè, nhà văn chọn đến K71 – Bệnh viện 103 điều trị.
9 tháng qua, các thầy thuốc trẻ Trần Văn Tôn, Phạm Khánh Hưng; điều dưỡng viên Vũ Văn Bôn luôn theo sát để xạ trị áp sát và truyền hóa chất… kiểm soát hoàn toàn khối u trong phổi nhà văn. Cùng với các thầy thuốc kiên cường chiến đấu với khối u quái ác, ngay trên giường bệnh nhà văn Nguyễn Khắc Phục vẫn hoàn thành cuốn tiểu thuyết hơn 500 trang và sáng tác hàng chục kịch bản kỷ niệm lớn, hàng trăm bài báo cho nhiều tờ báo có tia-ra hàng đầu làng báo cả nước. Nói về K71, nhà văn thân mật nhận xét: “Anh em trẻ mà giỏi giang và tình nghĩa lắm!”.
Trung tá Nguyễn Mạnh C. thuyền trưởng thuộc Vùng 4 hải quân là một người “ăn sóng, nói gió” lại bất ngờ mắc ung thư thanh quản. Về K71 được điều trị tích cực, bệnh lui dần. Anh tâm sự: Nằm bệnh tại đây tôi mới hiểu các y, bác sĩ chọn phác đồ và triển khai điều trị ung thư gian nan không kém gì phương án tác chiến trên biển của chúng tôi.
Thượng tá Lò Văn T. từ Công an tỉnh Sơn La xuống Bệnh viện 19-8 xét nghiệm sinh thiết hạch cổ đã về mổ dê ăn mừng vì không phải K. Vậy mà, sau khi phẫu thuật tại Bệnh viện 103, sinh thiết lại, anh không thể ngờ đã mắc ung thư thực quản di căn hạch. Sau xạ trị áp sát 25 mũi cùng 8 đợt truyền hóa chất tại K71, anh xuất viện trở về đơn vị tiếp tục công tác mà cứ tấm tắc cảm phục các thầy thuốc quân đội…
Với lượng thu dung 3.000 đến 3.500 bệnh nhân nội trú và hàng nghìn bệnh nhân ngoại trú (cả quân và dân) mỗi năm, tỷ lệ ra viện đến trên 90% cho thấy hiệu quả cao về ứng dụng y học hạt nhân trong điều trị ung thư ở K71 này.
Những thầy thuốc áo lính trị bệnh cứu người
Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Kim Lưu, người chỉ huy cao nhất ở K71 là một người con Xứ Nghệ. Với phong thái từ tốn, nhẹ nhàng của một nhà giáo, cách nói chuyện cuốn hút khi anh kể lại các ca bệnh hiểm nghèo được điều trị tại K71. Ấn tượng hơn khi anh phác nhanh bước trưởng thành của đơn vị. 45 năm trước, ngày 17 tháng 3 năm 1971, “Labo đồng vị phóng xạ” thuộc Đại học Quân y (phiên hiệu K71) được thành lập, với nhiệm vụ ứng dụng đồng vị phóng xạ trong y học.
Năm sau, labo được giao giảng dạy cho học viên hệ dài hạn năm thứ 4 và mang tên “Khoa Y học phóng xạ”. Anh cười hóm hỉnh, kể tiếp: “Năm 2005, K71 mới được trang bị máy xạ trị Cobant 60 và giao 4 giường bệnh. Lúc đó có lãnh đạo còn băn khoăn không biết K71 có điều trị ung thư được không?! Đến nay, được coi là cơ sở điều trị ung thư 150 giường mà K71 luôn trong tình trạng quá tải với trung bình 200 bệnh nhân nội trú”…
K71 có tên là Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân khi được Bộ Quốc phòng ra quyết định từ tháng 12 năm 2012, rồi trang bị cơ sở vật chất, thiết bị khá đồng bộ và hiện đại: SPECT, PET, PET/CT, các máy xạ trị áp sát. Đây là một khoa của Học viện Quân y, làm nhiệm vụ đào tạo, ứng dụng về y học hạt nhân đến bậc cao học (trong và ngoài quân đội), vừa là cơ sở chẩn đoán, điều trị bằng xạ trị, hóa chất, dược chất phóng xạ, điều trị đích bằng các kháng thể đơn dòng, chăm sóc giảm nhẹ và tư vấn hỗ trợ tâm lý tuyến cuối cho mọi bệnh nhân ung thư.
Ngày đầu thành lập, chỉ với cơ sở vật chất đơn sơ và rất ít người, nay Trung tâm đã có 40 cán bộ, giảng viên, nhân viên (35 đảng viên), trong đó: 2 Phó Giáo sư, 2 Tiến sĩ, 7 Thạc sĩ, 4 bác sĩ chuyên khoa I, II; 3 bác sĩ, 4 kỹ sư, 18 điều dưỡng viên. K71 luôn coi trọng công tác phát triển đội ngũ cả về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ và phương pháp giảng dạy. Các giảng viên trực tiếp biên soạn 4 bộ giáo trình đào tạo hệ đại học và sau đại học; giảng dạy cho các lớp đại học (cả quân và dân y) về 2 môn là y học hạt nhân và ung thư đại cương với trung bình hơn 200 tiết lý thuyết và hơn 2.000 tiết thực hành mỗi năm.
Đơn vị còn phát huy nội lực, tổ chức cho cán bộ được đào tạo tại chỗ kết hợp với đào tạo ở nước ngoài để nhanh chóng làm chủ kỹ thuật mới, hiện đại như mô phỏng, lập kế hoạch xạ trị, xạ trị 3D theo hình thái khối u, xạ trị áp sát… cho hầu hết các mặt bệnh ung thư. Nhờ đó, các phương pháp điều trị ung thư, bao gồm cả xạ trị, hóa trị, hóa – xạ trị kết hợp, điều trị đích, điều trị giảm đau do ung thư di căn xương bằng P32, điều trị Basedow, ung thư tuyến giáp bằng Iot phóng xạ… được cập nhật kịp thời, ứng dụng thành công. Nhiều bệnh nhân nặng, giai đoạn cuối được điều trị cải thiện chất lượng cuộc sống, kéo dài thời gian sống thêm. “Với những bệnh nhân nặng giai đoạn cuối, các thầy thuốc đã đánh thức khát vọng sống trong bệnh nhân để họ hợp tác điều trị. Thời gian sống thêm của các bệnh nhân này như là “món lãi” với thầy thuốc trong điều trị vậy”. – Tiến sĩ Nguyễn Kim Lưu nói vui…
Điều đặc biệt là K71 đã tạo được 3 môi trường phát triển song hành. Môi trường say mê học tập và nghiên cứu khoa học phát triển từ quy định mỗi người phải có ít nhất một đề tài nghiên cứu khoa học hằng năm, trở thành ý thức tự giác của các bác sĩ, nhờ đó K71 thường xuyên tham dự các diễn đàn khoa học trong và ngoài nước. Môi trường rèn luyện nền nếp chính quy của một đơn vị quân đội, đoàn kết thương yêu giúp đỡ đồng đội và chăm sóc bệnh nhân. Môi trường văn hóa văn nghệ, thể thao lành mạnh với nhiều tiết mục tham gia hội diễn bệnh viện, học viện; đội bóng đá là các bác sĩ, KTV, điều dưỡng trẻ tham gia giao lưu rộng rãi, có thành tích khá ấn tượng.
Các bác sĩ trẻ thế hệ 8X như Trần Văn Tôn, Dương Thùy Linh, Phạm Khánh Hưng… giống nhau ở chỗ chuyên môn vững, ham học hỏi, tận tụy với bệnh nhân và say mê nghiên cứu khoa học, đang tô đẹp truyền thống của K71. Năm 2015, đề tài “Kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính mô phỏng sử dụng đồng thời thuốc cản quang đường tĩnh mạch và đường uống trong lập kế hoạch xạ trị 3D ở bệnh nhân ung thư thực quản” của nhóm các bác sĩ Trần Văn Tôn, Trần Đình Thiết, Phạm Thị Mai; Kỹ sư Nguyễn Mạnh Khải; KTV Nguyễn Duy Bằng thực hiện đã đoạt giải nhất Hội thao kỹ thuật sáng tạo tuổi trẻ ngành y tế khu vực Hà Nội lần thứ 26, được Bộ Y tế tặng Bằng khen. Đề tài ứng dụng thành công trong điều trị và được Bộ Quốc phòng trao giải nhất. Thượng úy, bác sĩ trưởng nhóm Trần Văn Tôn được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học năm 2014-2015.
Để có được một K71 nền nếp, chính quy như hiện tại là công sức của biết bao thế hệ từ lãnh đạo, bác sĩ đến kỹ sư, KTV; đặc biệt là sự tận tâm, chuyên nghiệp, thân thiện dễ thấy ở đội ngũ điều dưỡng như Trọng Nghị, Hữu Thiện, Quốc Tuấn, Mạnh Hổ, Mậu Anh, Phương, Định… Một bệnh nhân cao tuổi đã chia sẻ mộc mạc mà chính xác về tình người ở K71: “Khi đối diện với căn bệnh hiểm nghèo, cả người chữa bệnh, người bệnh và bệnh nhân với nhau trở nên gần gũi như trong một nhà vậy”. Đó là điều đã làm nên thành công của tập thể K71, mà tấm Huân chương Bảo vệ Tổ quốc, hai Cờ luân lưu của Bộ Quốc phòng năm 2012, 2014… và nay được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là sự ghi nhận đáng tự hào.
Cơ ngơi đồ sộ của Bệnh viện 103 hiện đại đang hình thành. Trong đội ngũ đơn vị ba lần Anh hùng ấy, K71 đã khẳng định vị thế của mình là Trung tâm Y học hạt nhân và điều trị ung thư hàng đầu của quân đội và quốc gia. Cây ngọc lan đầy những bông hoa trắng ngà được trồng ngay cửa Trung tâm cứ tỏa hương dìu dịu, mát lành như tấm tình của những người thầy thuốc K71, thơm mãi theo bước chân mỗi người bệnh được cứu giúp thoát xa lưỡi hái tử thần, nối dài mạch sống