Khai mạc Hội nghị Pháp quy hạt nhân lần thứ 2
Các đại biểu trong nước bao gồm thành viên Hội đồng An toàn hạt nhân quốc gia và các tiểu ban chuyên môn của Hội đồng, Tiểu ban An toàn và an ninh hạt nhân; đại diện các Bộ, ngành liên quan: Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công An, Bộ Quốc phòng; Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh thành trong cả nước; cán bộ khoa học trong nước hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo về pháp quy hạt nhân; cán bộ phụ trách an toàn bức xạ của các cơ sở bức xạ trong cả nước; cán bộ lãnh đạo và nhân viên phụ trách an toàn của các cơ sở bức xạ; hội viên Hội NLNTVN và các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương.
Mục đích của Hội nghị nhằm đánh giá hiện trạng công tác quản lý nhà nước về ATBXHN, trên cơ sở đó kiến nghị các giải pháp và kế hoạch tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATBXHN, đồng thời trao tặng bằng khen của Bộ trưởng cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý ATBXHN. Hội nghị cũng thảo luận về hợp tác pháp quy hạt nhân giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế và các nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh đến các kết quả đáng kể và tiềm năng to lớn của các ứng dụng năng lượng nguyên tử của Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế,…. phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Thứ trưởng cho biết, để quản lý tốt các hoạt động đó nhằm đảm bảo ATBXHN, Quốc Hội đã thông qua Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 và các văn bản dưới Luật đã và đang được hoàn thiện, hầu hết các điều ước quốc tế trong lĩnh vực an toàn và an ninh hạt nhân đã được Việt Nam nghiên cứu và tham gia, cơ quan pháp quy hạt nhân quốc gia đã được xây dựng và phát triển để thực hiện vai trò quản lý về an toàn, an ninh và thanh sát hạt nhân cũng như điều phối việc tham gia các điều nước quốc tế về Năng lượng nguyên tử của quốc gia.
Cũng theo Thứ trưởng, hiện nay, cơ sở hạ tầng về an toàn, an ninh hạt nhân của Việt Nam vẫn còn chưa đáp ứng được các yêu cầu theo tiêu chuẩn an toàn của IAEA và các yêu cầu được đặt ra trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Để có thể đánh giá hiện trạng của công tác quản lý nhà nước về ATBXHN và kiến nghị đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp để tăng cường và nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước về ATBXHN, Bộ KH&CN đã giao Cục ATBXHN định kỳ hai năm một lần tổ chức Hội nghị Pháp quy hạt nhân. Hội nghị Pháp quy hạt nhân lần thứ nhất đã được tổ chức vào tháng 7 năm 2013 tại Hải Phòng. Hội nghị đã đưa ra các kiến nghị về xây dựng khuôn khổ pháp lý, nâng cao năng lực thẩm định và thanh tra an toàn, tăng cường quản lý chiếu xạ nghề nghiệp, quản lý phóng xạ môi trường, ứng phó sự cố,… Sau hai năm triển khai thực hiện các kiến nghị từ Hội nghị Pháp quy hạt nhân lần thứ nhất, cơ sở hạ tầng an toàn và an ninh hạt nhân đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt đối với các cơ sở hạ tầng cho phát triển điện hạt nhân.
Thứ trưởng mong muốn, Hội nghị Pháp quy hạt nhân lần thứ 2 sẽ xem xét đánh giá hiện trạng các vấn đề về cơ sở hạ tầng an toàn và an ninh hạt nhân kể từ Hội nghị lần thứ nhất. Trên cơ sở đó sẽ thảo luận và kiến nghị các nhiệm vụ và giải pháp cho giai đoạn của 2 năm tiếp theo nhằm phát triển và hoàn thiện cơ sở hạ tầng an toàn và an ninh hạt nhân ở Việt Nam.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân UBND) tỉnh Lâm Đồng cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế – xã hội của tỉnh, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ ngày càng được chú trọng. UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt “Kế hoạch ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân tỉnh Lâm Đồng đến năm 2020” với mục tiêu nghiên cứu và ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân trong các ngành nông nghiệp, y tế, công nghiệp, khí tượng thủy văn, địa chất, khoáng sản, bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ phát triển bền vững kinh tế – xã hội của tỉnh. Ông hy vọng rằng tại Hội nghị này các đại biểu từ các tổ chức nghiên cứu phát triển, đào tạo và hỗ trợ kỹ thuật về pháp quy hạt nhân trong nước và quốc tế và nhất là sự hiện diện của nhiều nhà quản lý, nghiên cứu về lĩnh vực pháp quy hạt nhân sẽ dành nhiều thời gian để gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm cùng nhìn nhận và đánh giá đúng thực trạng công tác nhà nước về ATBXHN hiện nay, đề xuất, kiến nghị giải pháp, cơ chế, chính sách quản lý nhà nước về ATBXHN.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Trần Việt Thanh đã trao tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ KH&CN cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý ATBXHN:
– Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ
– Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng
– Sở Khoa học và Công nghệ Long An
– Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Bình
– Bệnh viện Chợ Rẫy
– Công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam
– Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ
– Bệnh viện Ung bướu Tp. Hồ Chí Minh
– Bệnh viện Y học phóng xạ và U bướu quân đội
– Huỳnh Kỳ Hạnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Khánh Hòa
– Lê Thị Thành, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đắc Lắc
– Đào Thị Ái Thùy, Trưởng phòng quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định
– Nguyễn Hoàng Dũng, Phó trưởng phòng quản lý an toàn bức xạ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cần Thơ.
Sau Lễ khai mạc, sẽ diễn ra Phiên toàn thể về các vấn đề chung trong lĩnh vực pháp quy hạt nhân. Trong 3 ngày Hội nghị (19-21/5), cũng sẽ diễn ra các phiên họp của 13 Tiểu ban về các vấn đề cụ thể trong lĩnh vực pháp quy hạt nhân./.